Sản phẩm dự thi 2020
Chiếc khóa kéo cải tiến
Hiện tượng co cứng cơ chi trên dẫn tới nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, gồm cả việc mặc quần áo như ta đã biết qua các bài dự thi trước. Đây là một giải pháp khác: chiếc khóa kéo do anh Hòa cải tiến bằng cách gắn thêm một vòng kim loại (vòng mắc chìa khóa) vào đầu khóa. Những người bị co cứng cơ tay vẫn có thể dùng một ngón tay còn duỗi được xỏ qua chiếc vòng và đóng mở được chiếc khóa kéo.
Số lượt bình chọn: 53
Chiếc bút cải tiến
Sử dụng các đồ vật nhỏ như một chiếc bút cần phải có chức năng vận động bàn tay và ngón tay tốt. Điều này là cả một thách thức lớn với những người bị yếu bàn tay hoặc bị đoạn ngón. Một giải pháp đơn giản, chi phí thấp được anh Lương sáng tạo bằng cách thêm miếng mút (xốp) lồng bên ngoài chiếc bút. Nhờ vậy, việc cầm và sử dụng chiếc bút đã trở nên dễ dàng hơn.
Số lượt bình chọn: 52
Dụng cụ cắt móng tay chỉ dùng một tay
Để giúp những bệnh nhân bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người, ảnh hưởng tới chức năng chi trên hoặc người bệnh bị đoạn chi trên trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân là cắt móng tay, anh Sỹ và các đồng nghiệp tại bệnh viện Bạch Mai đã làm ra dụng cụ cắt móng tay chỉ dùng bằng một tay. Người dùng chỉ cần đặt bàn tay lên miếng đỡ bàn tay, đưa móng tay cần cắt vào dụng cụ và ấn xuống. Dụng cụ này được kết hợp một cách khéo léo từ chiếc bấm móng tay thông thường, một vài miếng nhựa hoặc gỗ và một miếng sắt uốn cong tạo thành tư thế bập bênh đàn hồi.
Số lượt bình chọn: 1694
Bàn giặt khăn mặt một tay
Giặt một chiếc khăn hay chỉ là một chiếc khăn lau mặt nhỏ cũng phải cần đến chức năng bàn tay tương đối tốt. Điều này chính là một thách thức lớn đối với những người bị di tật hoặc yếu một bên tay (hoặc bị đoạn chi). Chị Huệ đã có một có một sản phẩm sáng tạo giúp người khuyết tật có thể giặt bằng một tay. Chiếc bàn giặt khăn mặt bằng gỗ có bề mặt tạo nhám giúp cho việc giặt sạch hơn và có hai lưỡi móc kim loại giữ vào chậu rửa để bàn giặt không bị di chuyển nhiều trong quá trình sử dụng.
Số lượt bình chọn: 114
Dụng cụ rửa bát đĩa chỉ với một tay
Rửa bát, đĩa sau bữa ăn là một công việc thường ngày, nhưng với những người khuyết tật có chức năng một bên tay kém hoặc bị đoạn chi (mất một bàn tay hoặc cánh tay) lại là cả một thách thức lớn.
Để giải quyết khó khăn này cho nhiều người khuyết tật, chị Huệ- một Kỹ thuật viên Hoạt động trị liệu ở Thanh Hóa đã sáng tạo ra dụng cụ rửa bát đĩa bằng cách gắn phần cán hai chiếc chổi cọ lên một chân đế bằng gỗ. Giờ đây, người dùng đã có thể chỉ cần một tay khi cọ rửa bát đĩa. Một sự sáng tạo khéo léo giúp người khuyết tật độc lập hơn trong các sinh hoạt hàng ngày.
Số lượt bình chọn: 93
Những cải tiến cho vật dụng ăn uống [5]
Việc cầm nắm được các vật dụng dùng khi ăn uống (như thìa, đũa, cốc) giúp trẻ khuyết tật hoặc có khó khăn với chức năng bàn tay có thể tự mình ăn uống và giảm bớt sự phụ thuộc vào người chăm sóc. Chị Tâm và các đồng nghiệp đã có những cải tiến với các vật dụng là thìa và cốc bằng cách gắn thêm những miếng dính vào thành cốc và cán thìa (sau khi đã được làm to hơn để giúp trẻ cầm nắm) giúp cố định bàn tay trẻ với vật dụng một cách chắc chắn.
Số lượt bình chọn: 237
Dụng cụ tập đi tự làm
Các bài tập phục hồi chức năng tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và phát triển các kỹ năng và chức năng vốn có. Đặc biệt, bài tập đi bộ vượt chướng ngại vật là một cách hiệu quả giúp lấy lại sự thăng bằng khi đi bộ. Tại các trung tâm Phục hồi chức năng, các chướng ngại vật cho bài tập này khó tìm mua được hoặc có giá cao- và càng khó hơn cho những ai muốn tập luyện tại nhà.
Để giải quyết vấn đề này, chị Hương- một Kỹ thuật viên Hoạt động trị liệu tại Đồng Nai, đã cùng với đồng nghiệp tự làm ra những chướng ngại vật từ những vật liệu tái sử dụng như mút, xốp và những ống nhựa bỏ đi. Những sản phẩm này vừa có chi phí thấp lại vừa an toàn và thân thiện với môi trường.
Số lượt bình chọn: 24
Chiếc bàn dành cho xe lăn
Chị Dương công tác tại một đơn vị Phục hồi chức năng nơi đang điều trị và hỗ trợ cho nhiều người phải dùng xe lăn, giúp họ tập luyện để có thể sống độc lập hơn. Chị và các đồng nghiệp nhận thấy bệnh nhân phải thực hiện hầu hết các sinh hoạt hàng ngày trên chiếc xe lăn. Trong khi đó, những chiếc bàn thường không có tính tiếp cận cho người sử dụng xe lăn (do bàn quá cao hoặc quá thấp hoặc không có đủ không gian dưới gầm bàn cho xe lăn). Vậy giải pháp là: làm một chiếc bàn (khay) bằng gỗ nhẹ có thể đặt lên trên xe lăn để sử dụng mọi nơi, mọi lúc. Thêm một điểm nhấn cho sản phẩm này là chiếc bàn (khay) được bọc bên ngoài bằng lớp vải đẹp mắt, có thể dễ dàng tháo ra giặt sạch khi cần.
Số lượt bình chọn: 178
Những chiếc cúc “dán”
Như chúng ta đã thấy ở một trong những sản phẩm dự thi trước, việc cài cúc (khuy) áo cần phải có chức năng vận động các ngón tay tương đối tốt mới có thể thực hiện được. Điều này là một trong những trở ngại lớn đối với người có bàn tay yếu, bị dị tật bàn tay hoặc đoạn chi (mất bàn tay). Sau đây là một giải pháp đơn giản và hiệu quả để giải quyết vấn đề: chị Dung đã khâu những miếng dính nhỏ (thường dùng cho quần áo) để “cài” thay cho cúc áo. Như vậy, việc mặc áo hay cởi áo đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Số lượt bình chọn: 52
Thanh vịn tay tự làm
Thanh vịn tay thường được thấy nhiều ở những nơi công cộng (như trong khu nhà vệ sinh của một tòa nhà); các thanh vịn tay này rất hữu ích với những người có khả năng giữ thăng bằng kém, hoặc cần sự hỗ trợ mỗi khi phải đứng lên ngồi xuống hay khi đi bộ.
Thanh vịn tay có thể mua ở các cửa hàng bán thiết bị y tế- tuy nhiên thường khó tìm mua được ở các khu vực xa xôi và tất nhiên là khá đắt đỏ. Vì vậy, anh Hậu đã tự chế cho mẹ của mình thanh vịn đi lại trong khuôn viên nhà. Anh dùng các ống nước và hàn chân bắt vào tường một cách chắc chắn và có độ cao phù hợp cho mẹ anh sử dụng hàng ngày.
Số lượt bình chọn: 1524
Kẹp và Kéo
Anh Tùng đã tự làm một dụng cụ hỗ trợ mặc quần từ những vật liệu sẵn có có tên là “Kẹp và kéo”. Dụng cụ này đơn giản mà hữu ích cho những người bị yếu bàn tay hoặc khả năng giữ thăng bằng kém hay gặp khó khăn trong vận động vùng hông/lưng chỉ cần dùng một tay vẫn có thể mặc quần, cả khi đang ngồi. Hai chiếc kẹp ở đầu sợi dây được kẹp vào đai quần hoặc ống quần. Sau đó, người dùng chỉ cần 1 tay bình thường nắm đầu sợi dây còn lại kéo quần lên.
Số lượt bình chọn: 26
Chiếc ví dùng chỉ với một tay
Sử dụng chiếc ví chỉ với một tay thật là một thách thức lớn. Từ tâm sự của một người khuyết tật chỉ còn một cánh tay phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mua sắm hàng ngày (do phải ước lượng số tiền sẽ dùng rồi cho hết vào trong túi và phải nhờ người bán hàng đếm ra số tiền cần trả), chị Hằng đã cải tiến chiếc ví dành cho người yếu tay hoặc bị đoạn chi (mất một bàn tay). Chị khâu hai sợi dây chun vào chiếc ví để có thể ôm chặt lấy bàn tay hoặc cánh tay và vì thế người dùng có thể dùng tay còn lại để mở ví và lấy tiền.
Dù có bao nhiêu tiền trong ví đi chăng nữa, khó mà so sánh được với sự sáng tạo khéo léo và vô giá này.
Số lượt bình chọn: 33
Chiếc “Chổi-Nạng”
Anh Đoàn thường gặp khó khăn mỗi khi quét nhà vì anh bị dị tật một nửa bên người. Việc cầm chiếc chổi quét nhà bằng một tay là một điều không dễ dàng với anh. Để giải quyết vấn đề này, anh đã phát minh ra chiếc chổi của riêng mình giúp anh có thể giữ nó một cách chắc chắn chỉ với một tay nhờ việc lắp thêm một khung (làm bằng tre) giúp anh có thể kẹp vào nách khi quét.
Số lượt bình chọn: 78
Khung tập đi PVC
Khung tập đi là một dụng cụ hỗ trợ tích cực cho những người gặp khó khăn về vận động, đặc biệt là với trẻ bị bại não. Khung tập đi có thể có sẵn trên thị trường nhưng thường được bán với giá cả đắt đỏ. Hơn nữa, khi trẻ đã lớn và cao hơn, khung tập đi trở nên không vừa với trẻ nữa. Và đây: một chiếc khung tập đi làm từ ống nhựa PVC được phát minh bởi chị Hóa. Với những ống nhựa được kết nối với nhau bằng keo, chiếc khung tập đi này giúp trẻ an toàn hơn khi tập đi. Nó tạo ra chắc chắn và an toàn cho trẻ khi sử dụng cũng như vừa được với chiều cao của trẻ.
Số lượt bình chọn: 246
Chiếc thìa có cán to
Một sự sáng kiến khác với chiếc thìa ăn được chị Hóa công tác bệnh viện Trung Ương Huế tạo ra. Chiếc thìa được cải tiến với tay cầm to hơn để giúp trẻ bị bại não có thể cầm nắm dễ dàng hơn. Chỉ đơn giản bằng việc quấn quanh cán thìa bằng băng chun và dùng một chút keo để không bị tuột ra, chúng ta đã có chiếc thìa tiện dụng cho trẻ.
Số lượt bình chọn: 269
Dụng cụ cài cúc áo
Bạn đã bao giờ thử mặc quần áo bằng một tay chưa? Đúng là rất khó. Càng khó hơn khi bạn phải cài cúc áo. Đây là giải pháp giúp bạn giải quyết vấn đề với những chiếc cúc được sáng tạo bởi anh Tùng, một Kỹ thuật viên vật lý trị liệu bệnh viện Phục hồi chức năng Huế. Dụng cụ cài cúc áo quần này có cán làm từ nhựa được gắn bằng keo với một vòng kim loại nhỏ. Khi sử dụng, bạn chỉ cần đưa vòng sắt qua lỗ khuyết trên quần áo, quàng qua chiếc cúc và kéo sang là xong.
Số lượt bình chọn: 56
Chiếc đai đỡ cổ tự làm
Trẻ bị bệnh bại não kèm theo các vấn đề về cơ thường khó khăn trong việc kiểm soát vận động và giữ thẳng đầu. Vấn đề này có thể dẫn tới các dị tật ở cổ và kèm theo đó là khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày cũng như tương tác với những người xung quanh. Chị Lành, một người mẹ có con trai bị bại não, đã sáng tạo ra chiếc đai giữ cổ giúp con trai của chị có thể giữ thẳng đầu. Chiếc đai này được làm một cách đơn giản từ xốp, vải chun và băng dán. Ngoài ra, chị còn thêm một chút bông bên trong đai để tạo sự thoải mái cho con khi đeo.
Số lượt bình chọn: 137
Đồ chơi cầm nắm tự làm
Chơi với đồ chơi chiếm một vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ em và nó đặc biệt hữu ích với trẻ bị bệnh bại não. Chị Lành đã tự làm cho con trai của mình đồ chơi giúp con có thể cầm nắm đồ chơi chắc chắn và an toàn hơn. Món đồ chơi này là những chiêc túi vải có kích thước khoảng 3-5 cm chứa gạo bên trong. Ưu điểm của đồ chơi này là có chi phí thấp, không bị vỡ và có tác dụng kích thích thần kinh bàn tay khi cầm nắm.
Số lượt bình chọn: 558
Những cải tiến cho vật dụng ăn uống [3]
Ăn uống là một trong những hoạt động cơ bản diễn ra hàng ngày. Nhằm hỗ trợ những trẻ em khuyết tật thường mất nhiều thời gian cho việc ăn uống và phải có sự hỗ trợ của cha mẹ hay người thân và từ đó cải thiện sự độc lập cho trẻ, chị Sen- một nhân viên y tế thôn bản ở Quảng Trị đã cải tiến những chiếc thìa, đũa, cốc…Đây là những sáng tạo tuyệt vời trẻ bị bệnh bại não.
Số lượt bình chọn: 88
Những cải tiến cho vật dụng ăn uống [2]
Đây là một sáng tạo bằng cách khác cũng với các vật dụng dùng khi ăn uống của người khuyết tật:
Cầm nằm một chiếc thìa hay đôi đũa cần phải có sự kiểm soát được đôi tay một cách khéo léo- điều có thể là trở ngại đối với người bị nhược hoặc bị dị tật cơ tay. Đây là những sáng kiến đơn giản được làm bởi anh Hải có thể mang đến sự độc lập cho người khuyết tật trong việc ăn uống.
Số lượt bình chọn: 46
Những cải tiến cho vật dụng ăn uống [1]
Những người bị liệt nửa người hoặc bị yếu tay thường gặp khó khăn khi cầm nắm các vật dụng khi ăn uống như thìa, đũa, cốc… Để giúp đỡ cho những bệnh nhân của mình, anh Luân đã cải tiến những chiếc thìa và bàn chải đánh răng bằng cách thêm phần quai cầm cao su có thể ôm lấy bàn tay của người sử dụng.
Số lượt bình chọn: 160
Chiếc ghế góc tự làm
Việc ngồi vững trên ghế có ý nghĩa quan trọng đối với trẻ bị chứng bệnh bại não- nó giúp cho trẻ có thể thực hiện các sinh hoạt hàng ngày tốt hơn. Khi ngồi, trẻ có thể quan sát được môi trường xung quanh nhiều hơn và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển của trẻ. Anh Hải, một Kỹ thuật viên tại bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, đã tự làm ra những chiếc ghế góc để giúp trẻ bại não ngồi vững hơn khi thực hiện các sinh hoạt hàng ngày.
Số lượt bình chọn: 58
Cải tiến dép lê cho người khuyết tật
Với nhiều người khuyết tật vận động ở chân, nhất là bị liệt nhẹ và đang phục hồi thì việc đi dép lê là khá khó khăn do hay dép hay bị tuột khỏi chân. Nhiều người phải đi giày vải để tránh bị tuột. Nhưng trong hoàn cảnh thời tiết nóng bức, việc đi giày khiến người khuyết tật không thực sự thoải mái, khó đảm bảo vệ sinh khi phải mang giày trong một thời gian dài.
Việc đi dép lê được nhiều người áp dụng và để khắc phục nhược điểm hay bị tuột khỏi chân, chị Nguyệt Anh đã cải tiến bằng cách dùng sợi dây chun nối thành chiếc quai ôm lấy gót chân người đi.
Số lượt bình chọn: 53
Chiếc nẹp tự làm
Trẻ với chứng bệnh bại não thường bị co và cứng các cơ. Hiện tượng co cứng các cơ dẫn đến những dị tật ở chân, bàn chân, cánh tay hay bàn tay. Để ngăn các cơ co cứng như vậy, anh Hải đã tự làm ra những chiếc nẹp làm từ những vật liệu đơn giản và rẻ tiền (thanh tre, vải thông dụng) cho khửu tay và đầu gối của trẻ, giúp trẻ cải thiện hoạt động trong các bài tập và sinh hoạt hàng ngày.
Số lượt bình chọn: 52
Dây chun “có võ”
Cải thiện sự tự lập trong cuộc sống cho người khuyết tật không phải là điều gì đó xa vời, chỉ với một sợi dây chun nhỏ mà ai cũng có ở nhà… Khi dùng vòi xịt vệ sinh, việc phải bóp (và giữ) cần của vòi xịt có thể là một thách thức với người có bàn tay, ngón tay bị yếu. Lồng một sợi chun vòng vào cần vòi xịt có tác dụng trợ lực cho các ngón tay khi phải bóp, giúp cho người sử dụng thao tác dễ dàng hơn với chiếc vòi xịt vệ sinh.
Số lượt bình chọn: 53
Chiếc dao tiện dụng
Thêm một sản phẩm sáng tạo của anh Luân (là một Kỹ thuật viên Hoạt động trị liệu tại Quảng Trị): chiếc dao có thể dùng chỉ với một tay. Tận dụng lỗ có sẵn trên lưỡi dao (thường dùng để treo lên móc), anh Luân đã sáng tạo bằng cách cố định chiếc dao trên một cái thớt thông dụng. Chiếc dao sau khi được cải tiến đã có thể dựng chắc chắn nhờ trụ đỡ và dễ dàng thao tác với những người có bàn tay yếu.
Số lượt bình chọn: 170
Đòn gỗ “biết đi”
Với một người mất đi cả hai chân, việc di chuyển là một thách thức lớn phải đối mặt hàng ngày. Chị Thanh đã nhờ thợ mộc gần nhà làm ra hai chiếc ghế đẩu để giúp cho việc di chuyển thuận lợi hơn. Hai chiếc ghế đẩu này có kích thước đủ rộng để ngồi nhưng không quá lớn để có thể mang theo người khi di chuyển. Khi ngồi trên hai chiếc ghế này, người sử dụng vẫn có thể làm các công việc hàng ngày mà không phải ngồi xuống dưới sàn.
Số lượt bình chọn: 92
Chiếc bàn giặt chỉ cần một tay
Chị Hằng đã cải tiến chiếc bàn giặt quần áo để giúp những người bị liệt, yếu nửa người hoặc bị mất đi một tay có thể tự giặt quần áo của họ chỉ với một tay bình thường. Chiếc bàn giặt quần áo được cải tiến này có công dụng giữ quần áo cố định trên bàn giặt (thay cho tay bị yếu), nâng chiều cao của chậu giặt giúp người dùng thuận tiện hơn khi giặt. Hơn nữa, nó còn có tính năng gom nước xả chậu giặt chảy theo ống ra ngoài, tránh bị tình trạng nước trơn trượt dễ ngã quanh khu vực nơi giặt quần áo.
Số lượt bình chọn: 254
Chiếc kéo dùng một tay
Những người có một bàn tay (hoặc cả hai bàn tay) bị yếu thường gặp khó khăn khi phải dùng đến chiếc kéo. Vì một tay phải cầm đồ vật cần cắt, trong khi tay còn lại cầm cán để thao tác. Để dễ dàng hơn trong việc sử dụng chiếc kéo, anh Luân, một kỹ thuật viên Hoạt động trị liệu tại Quảng Trị, đã có một cải tiến đơn giản: cố định chiếc kéo vào một miếng gỗ nhỏ và như vậy thao tác với chiếc kéo đã trở nên đơn giản hơn (người sử dụng thậm chí có thể dùng cùi chỏ cánh tay khi thao tác cắt).
Số lượt bình chọn: 198
Khẩu trang tiếp cận
Với diễn biến của dịch COVID-19, việc đeo khẩu trang trở thành một thói quen và yêu cầu bắt buộc. Chúng ta đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, khi gặp gỡ mọi người, trên các phương tiện giao thông công cộng và cả khi đi mua sắm. Tuy vậy, với một người khiếm thính, giao tiếp với người khác khi mang khẩu trang là một thách thức đáng kể vì họ không thể đọc được ký hiệu với môi của người nói. Để khắc phục hạn chế này, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm thính (CED) đã có một giải pháp sáng tạo: một miếng nhựa trong suốt được khâu vào giữa khẩu trang giúp người khác đọc được ký hiệu môi của người nói.
Số lượt bình chọn: 100